Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 11/2022

    Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 11/2022

    Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập ngành công thương, thay đổi quy định về thanh toán chi phí trong hợp đồng dịch vụ truyền tải điện,… là những chính sách mới nổi bật, có hiệu lực từ cuối tháng 11/2022 (từ ngày 21 - 30/11/2022).

    1. Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập ngành công thương

    Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2022/TT-BCT ngày 10/10/2022 quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

    Theo đó, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương quy định như sau:

    - Phân loại theo mức độ tự chủ tài chính, bao gồm:

    + Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

    + Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;

    + Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

    + Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

    - Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ:

    + Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước;

    + Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

    + Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

    Xem chi tiết tại Thông tư 16/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 28/11/2022.

    2. Thay đổi quy định về thanh toán chi phí trong hợp đồng dịch vụ truyền tải điện

    Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 02/2017/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện, có hiệu lực từ ngày 22/11/2022.

    Cụ thể, từ ngày 22/11/2022, hợp đồng dịch vụ truyền tải điện được ký kết giữa các Đơn vị truyền tải điện và Khách hàng sử dụng lưới điện truyền tải.

    Khách hàng sử dụng lưới điện truyền tải có trách nhiệm thanh toán chi phí truyền tải điện cho Đơn vị truyền tải điện theo hợp đồng đã ký kết.

    (Hiện hành, Thông tư 02/2017/TT-BCT quy định tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Công ty mua bán điện, Tổng công ty Điện lực và khách hàng mua điện trực tiếp từ lưới truyền tải điện có trách nhiệm thanh toán chi phí truyền tải điện cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hợp đồng ký kết.)

    Đồng thời, Thông tư 14/2022/TT-BCT quy định không áp dụng các quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BCT (sửa đổi bởi Thông tư 14/2022/TT-BCT) đối với:

    Đối tượng là nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải từ sân phân phối của một hoặc một số nhà máy điện để tải công suất của một hoặc một số nhà máy điện đến điểm đấu nối (là điểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia) có thỏa thuận khác với bên mua điện trong việc thu hồi chi phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo dưỡng của lưới điện truyền tải trên.

    3. Các trường hợp thu hồi thẻ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm

    Các trường hợp thu hồi thẻ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm quy định tại Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10/10/2022 về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

    Cụ thể, thẻ kiểm định viên bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Người được cấp thẻ không đáp ứng quy định trong thời gian mỗi 05 năm (60 tháng) sau ngày được cấp thẻ, phải tham gia ít nhất 02 đoàn đánh giá ngoài và 01 khóa bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT tổ chức hoặc 01 khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;.

    - Có hành vi gian dối để đạt yêu cầu trong kỳ sát hạch kiểm định viên;

    - Cố ý đưa ra kết quả kiểm định chất lượng giáo dục không trung thực;

    - Vi phạm một trong những quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT về những việc kiểm định viên không được làm;

    - Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật.

    Xem thêm tại Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/11/2022.

    4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện

    Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

    Trong đó có quy định hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện.

    Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện của các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển theo quy định bao gồm:

    - Tờ trình, tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về giá phát điện các Nhà máy điện mặt trời chuẩn, Nhà máy điện gió chuẩn.

    - Bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các Nhà máy điện mặt trời chuẩn, Nhà máy điện gió chuẩn theo quy định tại Điều 4, Điều 7 và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 15/2022/TT-BCT .

    - Các tài liệu liên quan đến các thông số tính toán giá phát điện của các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển.

    Thông tư 15/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/11/2022

    Nguồn –  Lý Hải Thư viện Pháp luật

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN